Các nhân tố ảnh hưởng đến việc thực hiện quy trình nhập khẩu hàng hoá

Đã có rất nhiều nghiên cứu khoa học, ví dụ như Madsen, 1987, Zou & Tan, 1998, Sousa và các cộng sự, 2008 đã chỉ ra rằng luôn có nhân tố bên trong và nhân tố bên ngoài doanh nghiệp ảnh hưởng đến các hoạt động xuất nhập khẩu.

Nhân tố bên ngoài doanh nghiệp:

Các chế độ chính sách luật pháp trong nước và quốc tế

 Chính phủ của một quốc gia sẽ chịu trách nhiệm điều hành và điều tiết hoạt động xuất nhập khẩu trong nước. Luôn luôn có bộ luật, những loại thuế khóa nhằm tăng hoặc giảm việc xuất hoặc nhập các nhóm mặt hàng tương ứng qua nơi thi hành là hải quan, nhằm đảm bảo sự phát triển và lợi ích lâu dài của quốc gia đó. Từng thơi kì, chính phủ sẽ có những chính sách và chế độ quy định khác nhau để thích ứng với sự biến đổi của thị trường.

Điều này thể hiện rõ qua luật pháp và các quyết định của chính phủ buộc các nhà nhập khẩu hoặc xuất khẩu phải tuân theo. Nói một cách dễ hiểu như ví dụ là những mặt hàng quốc cấm như thuốc phiện, cần sa,… bị cấm nhập khẩu và lưu hành, thể hiện qua ý chí và qui định tại pháp luật Việt Nam. Hay chính phủ Nga ban hành sắc lệnh chỉ xuất khẩu khí đốt cho các nước chi trả bằng đồng Rúp vào ngày 31/03/2022 vừa qua. Chỉ cần có sự thay đổi trong ý chí của chính phủ, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống tài khóa và xuất nhập khẩu của quốc gia đó và cả những quốc gia có những doanh nghiệp đang mang hợp đồng thương mại liên quan

Tỷ giá hối đoái

 Tỷ giá hối đoái có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và mang tính chất quyết định trong việc làm hợp đồng thương mại quốc tế đối với tất cả các doanh nghiệp liên quan XNK. Nó vừa ảnh hưởng vĩ mô, mà còn vừa lại ảnh hưởng vi mô đến hoạt động từng doanh nghiệp.

Ở tầm vĩ mô, tỷ giá hối đoái của đồng tiền thanh toán hợp đồng có lợi cho việc nhập khẩu thì lại bất lợi cho xuất khẩu và ngược lại. Không những thế, nó còn mang ý nghĩa về mặt chính trị, là công cụ để các quốc gia điều tiết thị trường. Lại ví dụ về bán khí đốt của Nga bằng đồng Rúp hiện nay, đó hàm chứa yếu tố về chính trị và kinh tế lớn, được cho là bước đi liều lĩnh mà khôn khéo của Nga trong cuộc khủng hoảng hiện nay, bắt buộc các quốc gia mua khí đốt bằng đồng Rúp đồng nghĩa với việc đồng Rúp khan hiếm, và sẽ có vị thế tốt hơn trong giao dịch theo cái nhìn ngắn hạn. Còn dài hạn, đó là một lời tuyên bố, đả kích lớn đến đồng USD của Mỹ nếu thành công, đồng USD sẽ mất dần đi vị thế vốn có của nó trong thị trường giao thương quốc tế. Nhưng trong thực tế, việc giảm giá trị của đồng tiền quốc gia không phải lúc nào cũng xấu, ví dụ như Trung Quốc từng có thời gian hạ tỉ giá đồng Nhân dân tệ so với đồng USD, tức là 1 USD Mỹ sẽ đổi được nhiều Nhân dân tệ hơn, chính xác là để xuất khẩu được nhiều hơn các mặt hàng đang tồn sản xuất quá nhiều trong nước, mục tiêu của người Trung Quốc là chiếm lĩnh thị trường trước rồi điều tiết sau, vừa giải quyết tồn kho, giải quyết dư thừa lao động, quả là một mũi tên trúng nhiều đích.

Ở tầm vi mô của từng doanh nghiệp, đối với doanh nghiệp nhập khẩu, chỉ đơn giản là tỉ giá của đồng tiền nước sở tại so với đồng tiền thanh toán trong hợp đồng tăng tại thời điểm nhập hàng thì sẽ phải tốn nhiều nội tệ hơn để trả hợp đồng dẫn đến lỗ; còn tỉ giá giảm, thì xem như cơ bản là lời. Và ngược lại đối với doanh nghiệp xuất khẩu. Ở đây, chính là khái niệm: chưa làm gì mã đã lời (hoặc lỗ) của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hay truyền tai.

Sự biến động thị trường trong nước và nước ngoài

Mọi vấn đề liên quan đến XNK đều liên quan đến cung và cầu, mà tại đây XNK chính là cầu nối cho thị trường trong và ngoài nước. Các loại mặt hàng trong và ngoài nước cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi cung – cầu. Nếu cung về một mặt hàng ở thế giới giảm thì lượng cung trong nước cũng giảm theo, dẫn đến sự khan hiếm về mặt hàng đó và yếu tố giá sẽ tăng là điều không thể tránh khỏi. Để ứng phó với tình trạng biến động thị trường, với các mặt hàng sản phẩm nhất định, doanh nghiệp nên có hiểu biết và tính toán để xuất nhập phù hợp, có thể áp dụng trung bình giá để nhập về dự trữ sẵn rồi sản xuất, kinh doanh theo kế hoạch nhằm giảm thiểu sự biến động của thế giới.

Sự phát triển chung của các doanh nghiệp XKN trong và ngoài nước

 Đối với doanh nghiệp nhập khẩu và xuất khẩu, tình trạng của thị trường chứa khách hàng cuối cùng (end user) đang nhập khẩu hoặc xuất khẩu tới là phải quan tâm. Nếu ở điểm cuối thị trường, các doanh nghiệp trong ngành phát triển quá lớn mạnh, tất sẽ xảy ra cạnh tranh khốc liệt và với lợi thế sân nhà chắc chắn hàng sản xuất tại chỗ luôn có nhiều khả năng cạnh tranh hơn hàng nhập khẩu (luôn phải chịu thuế phí hải quan khi nhập khẩu).

Sự cạnh tranh này có ưu điểm và nhược điểm của nó. Nhược điểm dễ dàng nhận thấy là nếu doanh nghiệp không nghiên cứu kỹ, nhập khẩu hàng về hoặc xuất khẩu hàng tới pháp nhân tại thị trường đó thì đương nhiên tồn đọng và thua lỗ là điều khó tránh khỏi. Nhưng việc xuất nhập khẩu cũng có ưu điểm ở việc làm gia tăng tính cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường, nên xét tới cuối, khách hàng sẽ là người được lợi nhất khi được lựa chọn sản phẩm tốt nhất với giá cả hợp lý nhất.

Hệ thống tài chính ngân hàng

Đây là một yếu tố bị ảnh hưởng chính bởi cơ sở hạ tầng và một phần là chính trị tại thời điểm đang xét đến. Giao thương quốc tế là sự trao đổi giao dịch giữa hai đối tượng cách xa nhau về mặt địa lý, khác nhau về mặt chính trị, có khi còn bất đồng ngôn ngữ và đương nhiên là cũng khác nhau trên cơ sở tiền tệ. Vậy nên hệ thống ngân hàng của hai bên chính là nhân tố để rút ngắn các khoảng cách đó.

Có một thực tế trong giới kinh doanh nhận định rằng, một thị trường béo bở thì chỉ có một trong hai khả năng: một là nhu cầu của thị trường đó mới và chưa ai để tâm đến làm thị trường đó, hai là cũng đã có nhiều doanh nghiệp thử nhưng cơ sở hạ tầng quá kém để phục vụ cho việc thương mại quốc tế. Yếu tố thứ nhất luôn là ít khả thi hơn vì cho đến nay, không còn vùng đất nào mà các doanh nghiệp đa quốc gia không thể biết đến mà chạm tới. Vậy nên, yếu tố thứ hai là hiện hữu đa số nhất, ví dụ một quốc gia kém phát triển ở vùng Tây Phi, khi hệ thống ngân hàng quá kém, thì không thể thực hiện giao thương quốc tế được dù các doanh nghiệp xuất khẩu luôn biết nhu cầu của thị trường trên là lớn

Hệ thống giao thông vận tải, thông tin liên lạc

Vận chuyển và liên lạc trong toàn bộ quá trình là thiết yếu trong hoạt động nhập khẩu. Về vấn đề liên lạc thì vấn đề này đã trở nên quá dễ dàng trong kỉ nguyên 4.0 như hiện nay. Tuy nhiên để thông tin liên lạc một cách an toàn và bảo mật tuyệt đối thì cần phải xem xét nhiều yếu tố. Có cần thiết để có một kênh riêng giữa hai doanh nghiệp mua bán để bảo mật thông tin hay không cũng là một vấn đề phải cân nhắc.

Vấn đề vận chuyển đương nhiên là tối thiết yếu, vì hàng hóa quốc tế đi theo tàu biển loại ngoại cỡ phải cập bến cảng từ loại A trở lên. Nếu bến cảng và vùng nước quá nông thì tàu hàng hải cũng không thể cập đến được. Mà khi đã cập cảng, phải có hệ thống vận tải đường bộ hoặc đường biển chuyển tiếp để tránh ùn ứ tại cảng.

Nhân tố bên trong doanh nghiệp:

Quy mô và năng lực của doanh nghiệp

Quy mô và năng lực của doanh nghiệp quyết định đến khả năng xuất nhập khẩu của doanh nghiệp đó, khi quy mô lớn, năng lực mạnh thì làm các quy trình rất trơn tru và dễ dàng. Ngoài ra, quy mô và năng lực của doanh nghiệp còn ảnh hưởng  đến các mối quan hệ, yếu tố chất lượng và sự thích nghi đối với thay đổi của thị trường. (Zou & Stand, 1998)

Nhân tố quản lý

Quản lý được cho là nhân tố quan trọng nhất cho sự bắt đầu và phát triển của một doanh nghiệp XNK (Leonidou et al., 2010). Nhân tố quản lý được khởi đầu bằng cam kết và nỗ lực của cấp quản lý, lãnh đạo trong việc cung cấp nguồn lực và hỗ trợ cho các hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.

Chỉ có quan tâm và tạo điều kiện đúng mức, doanh nghiệp mới có khả năng phát triển được cả chiều sâu và chiều rộng trong vấn đề xuất nhập khẩu.

Đầu tư cho các mối quan hệ

Việc nhập khẩu nói riêng và xuất nhập khẩu kinh doanh nói chung phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm và quan hệ của người làm các thủ tục và quy trình nhập khẩu. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp phải có nguồn đầu tư vào các mối quan hệ với hải quan, hãng tàu. Có thể là một chút đóng góp vào hỗ trợ các hoạt động hải quan, một chút trợ giúp cho nhà nước sẽ cải thiện rất nhiều hình ảnh và vị thế của doanh nghiệp. Từ đó, hoạt động nào từ doanh nghiệp cũng sẽ nhận được một sự ưu đãi hơn từ hải quan trong khu vực. Đó là những lợi ích vô hình mà chỉ khi doanh nghiệp đặt lợi ích của cộng đồng và hướng đến sự bền vững mới được công nhận và đạt được rõ rệt nhất.

Nguồn tham khảo:

  1. Leonidou, L. C.,  &  Katsikeas,  C.  S.,  Samiee,  S..  n.d  (2004),  “Marketing

Strategy Determinants of Export Performance: A Meta-Analysis”,  Journal of

Business Research, vol (1) pp 51–67.

  1. Madsen, T. K. (1987), “Empirical Export Performance Studies: A Review of

Conceptualizations  and  Findings”,  Advances  in  International  Marketing,  vol

(2) pp 77–98

  1. Sousa, Carlos M.P.,  Francisco  J.  Martínez-López,  and  Filipe  Coelho  (2008),

“The Determinants of Export Performance: A Review of the Research in the

Literature  between  1998  and  2005”,  International  Journal  of  Management

Reviews 10(4), pp 43–74

  1. Zou, Shaoming, and  Simona  Stan  (1998),  “The  Determinants  of  Export

Performance: A Review of the Empirical Literature between 1987 and 1997”,

InternationalMarketingReview (5), 33–56

Add a Comment

Your email address will not be published.