Hoạt động và quy trình nhập khẩu hàng hoá
- Khái niệm về nhập khẩu hàng hoá
Đặc điểm của việc nhập khẩu hàng hóa là quá trình thực hiện nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài về tiêu thụ ở thị trường trong nước. Việc này được thực hiện giữa người mua và người bán ở các quốc gia khác nhau. Nhập khẩu hàng hóa cũng là một hình thức kinh tế quan trọng trong việc thúc đẩy và phát triển nền kinh tế của đất nước.
Có rất nhiều định nghĩa về nhập khẩu hàng hóa theo Điều 2, Thông tư số 04/TM-ĐT ngày 30/7/1993 của Bộ Thương mại định nghĩa: “Kinh doanh nhập khẩu hàng hóa là toàn bộ quá trình giao dịch, ký kết và thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa và dịch vụ có liên quan đến thiết bị, hàng hóa trong quan hệ bạn hàng với nước ngoài ”
Nhập khẩu là một hoạt động quan trọng của thương mại quốc tế, nhập khẩu tác động một cách trực tiếp và quyết định đến sản xuất và đời sống. Nhập khẩu là để tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật công nghệ tiên tiến, hiện đại cho sản xuất và các hàng hoá cho tiêu dùng mà sản xuất trong nước không sản xuất được, hoặc sản xuất không đáp ứng nhu cầu.
Nhập khẩu còn để thay thế, nghĩa là nhập khẩu những thứ mà sản xuất trong nước sẽ không có lợi bằng xuất khẩu, làm được như vậy sẽ tác động tích cực đến sự phát triển cân đối và khai thác tiềm năng, thế mạnh của nền kinh tế quốc dân về sức lao động, vốn, cơ sở vật chất, tài nguyên và khoa học kĩ thuật. Chính vì vậy mà nhập khẩu có vai trò như sau:
– Nhập khẩu thúc đẩy nhanh quá trình sử dụng cơ sở vật chất kỹ thuật chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước
– Bổ sung kịp thời những mặt mất cân đối của nền kinh tế, đảm bảo một sự phát triển cân đối ổn định.khai thác đến mức tối đa tiềm năng và khả năng của nền kinh tế vào vòng quay kinh tế.
– Nhập khẩu đảm bảo đầu vào cho sản xuất tạo việc làm ổn định cho người lao động góp phần cải thiện và nâng cao mức sống của nhân dân.
– Nhập khẩu có vai trò tích cực thúc đẩy xuất khẩu góp phần nâng cao chất lượng sản xuất hàng xuất khẩu ,tạo môi trường thuận lợi cho xuất khẩu hàng hoá ra thị trường quốc tế đặc biệt là nước nhập khẩu.
2. Quy trình nhập khẩu chung tại các doanh nghiệp
Nghiên cứu mặt hàng nhập khẩu
Mục đích của việc nghiên cứu này là để tìm ra những mặt hàng kinh doanh có lợi nhất cho doanh nghiệp. Muốn như vậy bắt buộc doanh nghiệp cần phải trả lời được các câu hỏi: Thị trường trong nước cần những mặt hàng gì?, tình hình tiêu thụ mặt hàng đó ra sao?,…
Cần phải xác định được nhu cầu của người tiêu dùng về các mặt hàng một cách cụ thể về quy cách, chất lượng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, số lượng để nhập hàng về thỏa mãn đúng, đủ, kịp thời những nhu cầu đó.
Mỗi sản phẩm hàng hóa đều có chu kì sống riêng. Chu kì sống của mỗi sản phẩm bao gồm các pha: Pha giới thiệu, pha phát triển, pha hung thịnh, pha bão hòa, pha suy thoái, ở mỗi chu kì sống, nhu cầu người tiêu dùng về sản phẩm là rất khác nhau, nó biểu hiện ra thành hành động mua cũng rất khác nhau. Do vậy để kinh doanh nhập khẩu hiệu quả cần phải nghiên cứu chu kì sống của sản phẩm và nắm bắt được hiện tại sản phẩm đó đang ở giai đoạn nào của chu kì sống.
Nghiên cứu thị trường hàng hóa quốc tế
Một trong những yếu tố quan trọng của thị trường là cung về hàng hóa. Kinh doanh nhập khẩu đòi hỏi phải nghiên cứu thị trường hàng hóa quốc tế là một yếu tố khách quan.
Nghiên cứu thị trường hàng hóa quốc tế bao gồm việc nghiên cứu toàn bộ quá trình tái sản xuất trên phạm vi quốc tế. Tức là việc nghiên cứu không chỉ dừng lại ở lĩnh vực lưu thông mà còn là nghiên cứu cả lĩnh vực sản xuất và phân phối hàng hóa.
Nghiên cứu thị trường hàng hóa nhằm hiểu biểu về các quy luật hoạt động thể hiện qua nhu cầu, cung ứng và giá cả,… Liên hệ với điều kiện hiện tại của doanh nghiệp và nhu cầu về hàng hóa nhập khẩu ở trong nước để quyết định mặt hàng gì và lựa chọn đối tác kinh doanh thích hợp
Nghiên cứu dung lượng thị trường và các yếu tố ảnh hưởng đến dung lượng thị trường hàng hóa
Dung lượng thị trường của một mặt hàng là khối lượng hàng hóa đó được giao dịch trên một khu vực thị trường nhất định (một quốc gia, một khu vực hay trên toàn thế giới) trong một thời kì nhất định thường là một năm.
Dung lượng thị trường không phải là yếu tố tĩnh mà thường xuyên biến động do nó chịu tác động tổng hợp của rất nhiều yếu tố khác nhau. Nghiên cứu dung lượng thị trường nhằm mục đích xác định được vị trí của doanh nghiệp trên thương trường. Còn việc nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến dung lượng thị trường để dự đoán được sự biến động của nó trên cơ sở đó vạch ra những kế hoạch chiến lược kinh doanh dài hạn và ngắn hạn cho doanh nghiệp.
Có rất nhiều nhân tố ảnh hưởng đến dung lượng thị trường nhưng chủ yếu là ba nhân tố sau:
Các nhân tố làm dung lượng thị trường biến động có tính chu kỳ
Bao gồm sự vận động của tình hình kinh tế tư bản chủ nghĩa, tính chất thời vụ của sản xuất, lưu thông và phân phối hàng hóa.
Sự vận động của tình hình kinh tế tư bản chủ nghĩa là nhân tố quan trọng có ảnh hưởng đến tất cả thị trường hàng hóa. Nắm vững được tình hình kinh tế tư bản chủ nghĩa đối với thị trường hàng hóa có ý nghĩa quan trọng trong việc vận dụng các kết quả nghiên cứu thị trường và giá cả để chọn thời gian giao dịch thích hợp nhằm đạt hiệu quả kinh doanh cao nhất.
Nhân tố thời vụ ảnh hưởng đến dung lượng thị trường hàng hóa trên cả ba khâu sản xuất, lưu thông, tiêu dùng. Một số mặt hàng chịu ảnh hưởng của các yếu tố mang tính chất thời vụ, do đó việc sản xuất, lưu thông, tiêu dùng những hàng hóa này cũng rất khác nhau. Nghiên cứu nhân tố này đòi hỏi phải nắm vững được đặc điểm của mặt hàng kinh doanh và tính chất thời vụ của nó để ra những quyết định đúng đắn về hành động mua, vận chuyển và phân phối hàng hóa đó trong nước.
Các nhân tố ảnh hưởng lâu dài
Có những nhân tố không làm thay đổi dung lượng thị trường hàng hóa một cách nhanh chóng mà ta có thể dễ dàng nhận biết ngay được. Những nhân tố này có thể gây những biến động rất lớn về dung lượng thị trường nhưng trải qua một quá trình chứ không phải trong một thời gian ngắn. Có thể các nhân tố như tiến bộ khoa học, kỹ thuật, các biện pháp và chính sách của nhà nước và các tập đoàn tư bản lũng đoạn, thị hiếu và tập quán người tiêu dùng, ảnh hưởng của hàng hóa thay thế.
Các nhân tố ảnh hưởng tạm thời
Các nhân tố ảnh hưởng tạm thời có thể kể đến là: Các yếu tố tự nhiên bao gồm thiên tai, lũ lụt, hạn hán…. Gây ra sự biến đổi cung cầu một số mặt hàng nhất định. Cần phải nghiên cứu các yếu tố này để có thể đối phó được các tình huống bất ngờ này xảy ra
Nghiên cứu giá cả hàng hóa trên phạm vị thị trường thế giới
Giá cả (Price) luôn là hàm điều tiết cung – cầu trong kinh tế vĩ mô, ở kinh doanh xuất nhập khẩu cũng vậy. Việc xác định đúng giá cả trên thị trường quốc tế có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động xuất nhập khẩu thể hiện qua bản chất tăng thu ngoại tệ khi xuất khẩu mà giảm chi ngoại tệ trong nhập khẩu.
Xác định giá xuất nhập khẩu đối với các giao dịch
Để có kế hoạch nhập và xuất khẩu tương ứng, doanh nghiệp phải để tâm đến các dự báo và nhân tố tác động ngắn hạn và dài hạn đến giá cả thị trường nhằm mục đích lập kế hoạch mua hàng nhập khẩu cho kinh doanh và sản xuất và bán hàng xuất khẩu với hiệu quả cao nhất. Các nhân tố thường thấy tác động lên giá cả của hàng hóa thường thấy là:
– Nhân tố chu kỳ: là các sự vận động mang tính quy luật của nền kinh tế qua các giai đoạn phát triển và thoái trào, kéo theo sự trồi sụt trong quan hệ cung – cầu, làm biến động giá cả hàng hóa.
– Nhân tố lũng đoạn: lũng đoạn là trường hợp xuất hiện nhiều mức giá khác nhau cho cùng một mặt hàng nhất định cho dù cùng chung một khu vực giao thương. Nó xuất hiện khi việc mua bán không đặt nặng lợi ích kinh tế, mà đặt lợi ích của quan hệ cá nhân lên trên hết.
– Nhân tố cạnh tranh: thường xảy ra trên thị trường mà cung lớn hơn cầu khiến cho giá có xu hướng giảm thấp là cạnh tranh giữa người bán. Còn ngược lại khi cầu nhiều hơn cung, giá xu hướng tăng cao là cạnh tranh giữa người mua.
– Nhân tố lạm phát: Trong các hợp đồng giao thương quốc tế, giá cả hàng hóa thường được qui định qua các đồng tiền mạnh trên thế giới như USD, EUR,… Tuy nhiên lạm phát có thể khiến cho giá cả của các quốc gia có đồng tiền biến động tăng lên hay giảm xuống một cách rõ rệt. Ví dụ, một doanh nghiệp Nga xuất khẩu dầu với giá trị 100 Rúp (đơn vị tiền tệ của Nga) cho 1 thùng dầu, quy đối là 1 USD/thùng dầu vào ngày 28/02/2022, nhưng do sự cố chiến tranh, lạm phát, giá trị đồng Rúp mất giá, nay 1 USD đối được 150 Rúp, nên nếu xuất khẩu dầu trong thời điểm này, doanh nghiệp vẫn nhận về 1 USD nhưng giá trị của 1 USD đó là 150 Rúp gấp 1,5 lần so với thời điểm 28/02/2022.
Những nhân tố trên tác động rất lớn đến các hợp đồng giao dịch quốc tế, vì mục tiêu của kinh doanh là kiếm lợi nhuận, vậy nên mọi nhân tố biến động đều phải được doanh nghiệp cân nhắc để giành phần lợi nhất về phía mình.
Giao dịch và ký kết các hoạt động ngoại thương
Bao gồm các chuỗi hoạt động nối tiếp nhau giao dịch, thương lượng, đàm phán, ký kết,… hợp đồng nhập khẩu
Sau giai đoạn nghiên cứu, tiếp cận thị trường, lựa chọn đối tượng giao dịch, các doanh nghiệp tiến hành xúc tiến việc chuẩn bị kí kết hợp đồng nhập khẩu. Nhưng để tiến tới ký hợp đồng mua bán với nhau, người nhập khẩu thường phải trải qua một quá trình giao dịch, thương lượng với nhau về các điều kiện giao dịch, công việc này trong hoạt động ngoại thương gọi là đàm phán, có thể đàm phán giao dịch qua thư tín, điện thoại,… Nhưng đối với những hợp đồng lớn, phức tạp cần giải thích thỏa thuận cụ thể với nhau thì nên giao dịch đàm phán bằng cách gặp gỡ trực tiếp. Đàm phán theo phương pháp này tuy chi phí cao nhưng hiệu quả và nhanh chóng với các trình tự như sau:
– Hỏi giá: Bên mua (Bên nhập khẩu ) đưa ra, tức là phải đưa ra được các thông tin về tên hàng, quy cách, chất lượng, số lượng, thời gian giao hàng, điều kiện thanh toán (Phương thức thanh toán, loại tiền thanh toán…). Về phương diện pháp lý thì đây là lời thỉnh cầu trước khi bước vào giao dịch, về phương diện thương mại thì đây là việc người mua đề nghị người bán cho biết giá cả hàng hóa và các điều kiện mua hàng. Hỏi giá không ràng buộc trách nhiệm của người hỏi giá.
– Phát giá: Luật pháp coi đây là lời đề nghị ký kết hợp đồng. Phát giá có thể do người bán hoặc người mua đưa ra. Nhưng trong buôn bán ngoại thương, phát giá là chào hàng thường do người xuất khẩu thể hiện ý định bán hàng của mình bằng cách nêu rõ các điều kiện đã nêu trong hỏi giá.
– Hoàn giá: Bên mua không chấp nhận hoàn toàn chào hàng đó mà đưa ra đề nghị mới.
– Chấp nhận: Là sự đồng ý hoàn toàn tất cả các điều kiện chào hàng.
– Xác nhận: Hai bên mua và bán sau khi đã thống nhất với nhau về điều kiện giao dịch có thể lập hai văn kiện ghi lại mọi điều đã thỏa thuận, gửi cho nhau.
Trong các bước giao dịch đàm phán trên thì chào hàng và đặt hàng là hai khâu được quan tâm hơn cả vì đó là cơ sở để dẫn đến ký kết hợp đồng nhập khẩu. Việc giao dịch, đàm phán sau khi đã có kết quả sẽ dẫn đến ký kết hợp đồng nhập khẩu.
Việc ký hợp đồng thường tiến hành kịp thời khi đã có đủ các điều kiện chín mùi, không nên tỏ ra nôn nóng trong việc ký kết dù khi thời gian đàm phán sắp kết thúc. Vì nếu đôi bên đối tác nắm được ý định của ta muốn ký hợp đồng, đối tác sẽ có nhiều lợi thế hơn ta. Trong thực tế có những hợp đồng được ký kết khi tiễn khách ra sân bay, nhưng không vì thế mà không ký ngay khi có thời cơ. Người đàm phán cần biết sử dụng ngôn ngữ dùng để đàm phán, vì như vậy sẽ chủ động linh hoạt, nâng cao tốc độ đàm phán. Khi cần dùng phiên dịch, người phiên dịch cần được chuẩn bị kỹ để nắm rõ nội dung trước khi tiến hành đàm phán, mỗi cuộc đàm phán cần phải được ghi thành biên bản để theo dõi và rút kinh nghiệm cho những cuộc đàm phán sau này.
Thực hiện hợp đồng nhập khẩu
Hợp đồng nhập khẩu là hợp đồng kinh tế ngoại thương, trong đó có sự thỏa thuận của đương sự có quốc tịch khác nhau về chuyển giao quyền sở hữu hàng hóa, nghĩa vụ thanh toán, trả tiền nhận hàng.
Hợp đồng kinh tế ngoại thương bắt buộc phải được thực hiện dưới hình thức văn bản. Bởi đây là hình thức tốt nhất trong việc bảo vệ quyền lợi của hai bên, nó xác định rõ ràng mọi quyền lợi và nghĩa vụ của bên mua và bên nán, tránh được những hiểu lầm do không thống nhất về quan niệm, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho thống kê, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện.
Hợp đồng nhập khẩu có các điều khoản chủ yếu sau:
+ Phần mở đầu: Ghi thông tin về số hợp đồng, ngày và nơi ký hợp đồng, về chủ thể hợp đồng ( tên giao dịch Quốc tế, địa chỉ, số điện thoại…)
+ Điều khoản tên hàng: Tên hàng phải ghi rõ, chính xác để không xảy ra hiểu lầm, có thể ghi rõ nơi sản xuất ( xuất xứ hàng hóa), nhà sản xuất, quy cách, tên thông dụng, tên thương mại, tên khoa học (nếu có)…
+ Điều khoản số lượng: Ghi rõ số lượng, trọng lượng và quy cách đúng như trên hồ sơ công bố của sản phẩm
+ Điều khoản chất lượng: Trong điều khoản này cần phải mô tả rõ đặc điểm và tính chất của hàng hóa
+ Điều khoản bao bì: Cần phải ghi rõ quy cách , kích thước để thuận tiện cho việc vận chuyển và lưu thông hàng hóa một cách thuận tiện nhất.
+ Điều khoản giao hàng: Hiện nay, tất cả các doanh nghiệp tham gia hoạt động kinh doanh XNK đều có thể áp dụng một trong 13 điều khoản cơ sở giao hàng Incoterm 2000
+ Điều khoản về giá: Quy định bao gồm đồng tiền tính giá và mức giá với phương pháp quy định cụ thể như sau : Giá cố định, giá quy định, giá linh hoạt và giá di động
Thực hiện vận chuyển và hợp đồng bảo hiểm
Đối với vận chuyển hàng hóa, hiện nay có 3 phương thức: vận chuyển đường bộ, vận chuyển đường thủy và vận chuyển đường hàng không. Trong giao thương thương mại quốc tế, vận chuyển đường thủy là chiếm dung lượng lớn nhất do tính khả thi và hợp lý của nó. Vận chuyển đường hàng không mang rất nhiều lợi ích trong việc an toàn, thời gian vận chuyển ngắn và chính xác, tuy nhiên khả năng vận chuyển là không lớn và chi phí quá đắt nên khó tiếp cận phía doanh nghiệp. Trong khi đó, vận chuyển đường bộ là tương đối tiết kiệm, nhưng không thuận tiện vì chỉ có thể vận chuyển đến các quốc gia lân cận, như Việt Nam vận chuyển sang Lào, Campuchia và Trung Quốc qua các cửa ngõ hữu nghị. Còn vận chuyển đường biển là hình thức phổ biến kết hợp nhiều ưu điểm và hạn chế các khuyết điểm. Sơ lược về vận tải đường biển, từ thế kỷ thứ XII, vận tải đường biển bắt đầu xuất hiện, Quảng Châu (Trung Hoa) là bến cảng đầu tiên mở ra con đường tơ lụa trên biển. Vào thời điểm ấy, bền cảng Quảng Châu luôn đầy ắp tàu, thuyền chuyên chở chủ yếu các mặt hàng vải vóc nhằm buôn bán trao đổi với các nhà buôn Ả Rập, Anh, Pháp,… Lịch sử đã cho thấy từ thưở sơ khai, thương mại xuyên quốc gia đã là một lĩnh vực quan trọng góp phần quan trọng vào kinh tế quốc gia, nâng cao đời sống xã hội. Và cho đến thời điểm hiện nay, xuất nhập khẩu đã trở thành một lĩnh vực trọng yếu của một đất nước. Với vị trí địa lý thuận lợi, đường bở biển dài 1650 km, kéo dài từ Bắc xuống Nam, Việt Nam có tổng cộng 45 cảng biển đang hoạt động, trong đó có 2 cảng biển loại IA (đặc biệt) là cảng Hải Phòng và cảng Vũng Tàu, cùng 13 cảng biển loại I (quy mô lớn) cực kì thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa quốc tế.
Hiện nay có rất nhiều hãng tàu lớn trong nước và ngoài nước tham gia cung cấp các dịch vụ vận tải đường thủy, phải kế đến như là: ZIM (Zim Intergrated Shipping Service Co., Ltd); Yang Ming (Đài Loan), HMM (Hàn Quốc), Evergreen (Đài Loan), ONE (Liên minh hãng tàu Ocean Network Express), Hapag-Lloyd (Đức), Cosco (Trung Quốc), CMA-CGM (Pháp), Maersk line (Đan Mạch), MSC (Thụy Sĩ),… Tùy vào hợp đồng ký kết và đàm phán mà 2 bên mua bán có thể thống nhất đơn vị hãng tàu vận chuyển phù hợp. Đối với quyền đàm phán chọn hãng tàu, các doanh nghiệp Việt có thể cân nhắc chọn các hãng tàu Việt Nam như Vosco, Vinalines,… để tăng thu cho nước nhà, đạt hiệu quả trong phát triển kinh tế quốc gia.
Bảo hiểm đường biển là yếu tố cần được cần nhắc tiếp theo. Cũng đa dạng và phong phú nhà cung cấp như các dịch vụ vận tải, bảo hiểm đường biển phải được xác định và thỏa thuận hợp lý. Bảo hiểm hàng hóa đường biển hay còn gọi là bảo hiểm hàng hải là một loại bảo hiểm phi nhân thọ như chiếc phao cứu sinh cho sự cố rủi ro liên quan đến quá trình vận chuyển bằng tàu thuyền trên biển, làm tổn thất, thiệt hại về hàng hóa. Bảo hiểm đóng vai trò quan trọng vì khác với đường hàng không và đường bộ, nhược điểm lớn nhất của đường thủy có thể kể đến là rủi ro nguy hiểm vì trên biển thường xuyên xảy ra nhiều sự cố như: va chạm, đắm chìm, cháy nổ, cướp biển, bão lốc thiên tai,… vượt quá dự đoán và kế hoạch của con người. Ở đây, điều kiện bảo hiểm của hàng hóa xuất nhập khẩu cơ bản được quy định thành ba loại: A,B,C theo quy định của ICC 1982 và ICC 1990.
Thực hiện thủ tục Hải Quan
Hải quan là điểm khác nhau rõ rệt nhất giữa giao thương nội địa và giao thương quốc tế, Nếu giao thương nội địa, người bán và người mua được quyền tự do trao đổi dưới sự điều chỉnh của pháp luật, thì giao thương quốc tế giữa các nước, hàng hóa phải chịu sự kiểm soát của hải quan trong quá trình xuất hoặc nhập.
Theo từ điển tiếng Việt, hải quan là “nơi chịu trách nhiệm việc kiểm soát và đánh thuế hàng hóa xuất nhập cảnh” (Viện ngôn ngữ, 2005). Thực tế, có thể hiểu hải quan là một ngành và nơi để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra và giám sát hàng hóa và các phương tiện vận tải, nhằm để phòng chống buôn lậu, hay vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Ngoài ra, hải quan còn tổ chức thực hiện việc thu thuế xuất nhập khẩu cho nhà nước.
Theo giải thích của Luật hải quan năm 2014, “thủ tục hải quan là các công việc mà người khai hải quan và công chức hải quan phải thực hiện theo quy định của Luật này đối với hàng hóa, phương tiện vận tải.” Tức là, có thể hiểu rằng, thực hiện thủ tục hải quan là thực hiện các thủ tục cần thiết để đảm bảo hàng hóa, phương tiện vận tải được xuất hoặc nhập khẩu qua biên giới hoặc vào biên giới một quốc gia nào đó theo luật hải quan và các quyết định của cơ quan lãnh đạo nhà nước của quốc gia đó.
Tùy vào các loại hàng khác nhau mà doanh nghiệp sẽ cần phải làm các thủ tục khác nhau, thêm hoặc bớt công đoạn, nhưng làm thủ tục hải quan nhập khẩu sẽ có cơ bản các bước sau:
Xác định loại hàng nhập khẩu
Doanh nghiệp chịu trách nhiệm nhập khẩu phải xác định được diện mà mặt hàng doanh nghiệp nhập về để chuẩn bị các hồ sơ giấy tờ, việc làm tới đâu tính tới đó là tuyệt đối nên tránh vì sẽ mất rất nhiều thời gian, mà khi hàng đã cập cảng, sẽ bắt đầu tính thời gian lưu kho, nếu quá thời gian sẽ phải đội thêm phí lưu kho và phí phạt nếu quá trễ. Thường thì mỗi nhóm loại hàng hóa được quy định rõ ràng và cụ thể trong luật định; các mặt hàng vải vóc, gia dụng thông thường thuộc diện mặt hàng thông thường thì không cần lưu ý gì đặc biệt. Tuy nhiên, đối với hàng hóa chất nguy hiểm hoặc thực phẩm thì yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu phải có hồ sơ tự công bố và các giấy tờ kỹ thuật liên quan khác để chứng minh tính hợp lệ của lô hàng khi thông quan.
Kiểm tra bộ chứng từ hàng hóa
Một bộ chứng từ cơ bản gồm các giấy tờ sau:
– Hợp đồng thương mại (Sale contract)
– Vận đơn (Bill of Lading)
– Danh mục hàng hóa (Packing list)
– Giấy chứng nhận xuất xứ lô hàng (C/O)
– Hóa đơn thương mại (Commercial Invoice)
– Và các giấy tờ phụ khác tùy theo nhóm hàng nhập khẩu
Lấy lệnh giao hàng
Doanh nghiệp nhập khẩu cần chuẩn bị bộ hồ sơ sau và mang đến hãng vận tải để lấy lệnh giao hàng:
– Chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân bản sao
– Vận đơn bản sao
– Vận đơn bản gốc có dấu mộc.
Chuẩn bị bộ hồ sơ hải quan
Sau đó, doanh nghiệp sẽ khai tờ khai, thường là online qua các phần mềm chuyên dụng, sau khi gửi tờ khai, hệ thống hải quan sẽ phân luồng hàng hóa thành luồng xanh, luồng vàng, luồng đỏ.
– Luồng xanh: hàng thông thường, áp dụng cho hàng hóa đã thông quan nhiều lần từ phía doanh nghiệp, nên doanh nghiệp chỉ cần in tờ khai và đóng thuế.
– Luồng vàng: Đơn vị hải quan phải cân nhắc kiểm tra bộ hồ sơ giấy tờ gốc của lô hàng, thường áp dụng với hàng hóa lần đầu thông quan của doanh nghiệp và một số trường hợp khác.
– Luồng đỏ: Đơn vị hải quan cân nhắc kiểm tra bộ hồ sơ giấy tờ gốc và có thể lấy mẫu ngẫu nhiên từ lô hàng, thường áp dụng cho các trường hợp đã từng vi phạm, nghi ngờ bất hợp pháp hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Nộp thuế và hoàn tất thủ tục hải quan
Sau khi tờ khai được nộp và thông báo xác nhận, doanh nghiệp sẽ nộp thuế nhập khẩu, giá trị gia tăng qua cổng ngân hàng tích hợp hải quan. Ngoài ra, tùy theo các loại nhóm hàng, mà doanh nghiệp có thể phải chịu thêm thuế môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt (ví dụ: ô tô con,…)
Chuyển hàng hóa về kho bảo quản
Sau khi thông quan hoàn tất, doanh nghiệp sẽ được phép chuyển hàng hóa đi, bất kỳ sự chậm trễ trong thông quan dẫn đến hàng hóa bị lưu giữ tại cảng, sẽ tính phí lưu kho và phí phạt khi thông quan trễ. Vậy nên, khi làm nhập khẩu, đòi hỏi người thực thi phải có kinh nghiệm để quá trình diễn ra trơn tru và chính xác
Thực hiện giao – nhận và kiểm tra hàng
Khi đã thông quan thành công, sẽ đến bước giao nhận hàng và kiểm tra hàng hóa. Thông thường, việc kiểm tra có thể diễn ra tại cảng đi khi giao hàng hoặc cảng đến khi nhận hàng tùy vào điều kiện trong hợp đồng thương mại. Đơn vị kiểm hàng có thể là đại diện từ phía người mua hoặc từ công ty kiểm nghiệm bên ngoải đã quy định trong hợp đồng. Đối với những đơn hàng giá trị lớn, rất cần thiết phải có đại diện uy tín từ công ty kiểm nghiệm để làm trung gian xác nhận tình trạng đơn hàng.
Thực hiện thanh toán
Sau khi nhận hàng và kiểm nghiệm đạt chất lượng, người mua phải có nghĩa vụ hoàn thành thanh toán cho người bán theo như giao kết tại hợp đồng thương mại. Do khoảng cách địa lý cũng như các yếu tố ngăn trở khác, các hợp đồng thương mại quốc tế thường sẽ quy định phương thức thanh toán quốc tế. “Thanh toán quốc tế là việc thanh toán các nghĩa vụ tiền tệ phát sinh liên quan tới các quan hệ kinh tế, thương mại và các mối quan hệ khác giữa các tổ chức, các công ty và các chủ thể khác nhau của các nước” (Đinh Xuân Trình, 1996). Hay, “thanh toán quốc tế là quá trình thực hiện các khoản thu chi tiền tệ quốc tế thông qua hệ thống ngân hàng trên thế giới nhằm phục vụ cho các mối quan hệ trao đổi quốc tế phát sinh giữa các nước với nhau.” (Trần Thị Xuân Hương, 2006)
Hiện nay, có nhiều phương thức thanh toán trong thương mại quốc tế như: phương thức thanh toán trực tiếp bằng điện chuyển tiền (T/T), hoặc bằng thư chuyển tiền (MTR), phương thức thanh toán nhờ thu (Collection), trả tiền lấy chứng từ (C.A.D), phương thức thanh toán bằng tín dụng chứng từ (L/C),… Trong kỉ nguyên 4.0, đang phát sinh một hình thức thanh toán mới, nhanh chóng và hiệu quả với mức phí cực kì thấp, đó là thanh toán bằng tiền điện tử (Crypto) như BTC, ETH,… tùy theo hợp đồng thỏa thuận. Thanh toán bằng crypto có thể là xu hướng mới trong tương lại khi toàn thế giới quan tâm và sử dụng chúng như một công cụ an toàn và tiết kiệm. Đó là xu hướng trong tương lai, còn ngay tại thời điểm này, thanh toán trực tiếp bằng điện chuyển tiền T/T vẫn đang được sử dụng khá nhiều vì tính tiết kiệm và nhanh chóng của nó, nhưng bù lại là rủi ro vì nhiều lý do, đặt cọc – giao hàng – thanh toán hết hay giao hàng – thanh toán hết, có khả năng tiền bị người mua “ngâm” mà không trả, ảnh hưởng đến thời gian kiện tụng, tranh chấp tại tòa trọng tài về sau. Vậy nên, đối với mối quan hệ kinh doanh mới, phương thức thanh toán bằng tín dụng chứng từ (L/C) vẫn là khả thi hơn. Sau đây là sơ lược về quy trình thanh toán bằng tín dụng chứng từ (L/C).
Mở L/C
Người mua (nhập khẩu) dựa vào hợp đồng mua bán ký kết với người bán làm đơn xin mở L/C gửi đến ngân hàng sở tại của người mua, yêu cầu ngân hàng mở L/C cho người bán hưởng.
Phát hành L/C
Ngân hàng nhận thông tin phát hành L/C cho người bán (xuất khẩu) hưởng. Ngân hàng này chuyển bản chính L/C cho người xuất khẩu qua ngân hàng thông báo.
Thông báo L/C đến người bán (xuất khẩu)
Ngân hàng thông báo là ngân hàng tại nước xuất khẩu đã nhận thông tin từ ngân hàng tại nơi nhập khẩu xác nhận L/C bằng văn bản và gửi bản chính L/C cho người bán (xuất khẩu).
Giao hàng
Người bán kiểm tra nội dung L/C và giao hàng cho người mua
Hoàn chỉnh bộ chứng từ nhận tiền
Sau khi hoàn tất việc giao hàng, người xuất bán (xuất khẩu) phải làm ngay bộ các chứng từ hàng hóa và hối phiếu gửi về ngân hàng thông báo, yêu cầu trả tiền.
Thanh toán cho người bán
Ngân hàng thông báo kiểm tra kỹ các nội dung của các chứng từ, nếu phù hợp thì sẽ tiến thành thanh toán hoặc gia giảm theo điều khoản của L/C
Thông báo bộ chứng từ thanh toán đến ngân hàng phục vụ người mua (nhập khẩu)
Ngân hàng thông báo chuyển bộ chứng từ thanh toán cho ngân hàng khởi phát L/C từ phía người mua (nhập khẩu)
Chuyển trả thanh toán cho ngân hàng thông báo
Ngân hàng phát hành L/C tư phía người mua sau khi nhận được bộ chứng từ từ ngân hàng thông báo chuyển đến, kiểm tra và chuyển tiền trả lại cho ngân hàng thông báo.
Yêu cầu thanh toán tiền
Ngân hàng phát hành L/C sẽ thông báo cho người mua việc thanh toán cho người bán đã hoàn tất và đồng thời yêu cầu người mua thanh toán số tiền này. Sau khi thanh toán, người mua (nhập khẩu) sẽ nhận lại được bộ chứng từ gốc để làm căn cứ khi nhận hàng
Thực hiện giải quyết khiếu nại (nếu có)
Giao thương quốc tế tuy đơn giản nhưng vẫn hàm chứa những tình huống phức tạp xảy ra. Vậy nên, mâu thuẫn, tranh chấp là điều khó tránh khỏi. Khi phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp, để ít tốn thời gian nhất, hai bên có thể ngồi lại đàm phán, tao đổi thẳng thắn để tìm ra tiếng nói chung.
Tuy nhiên, nếu không giải quyết được khi đàm phán. Bên nhập khẩu và bên xuất khẩu sẽ đưa ra những thông báo bằng văn bản như các yêu cầu trong hợp đồng, sau đó có thể đưa vụ việc giải quyết lên tòa trọng tài đã xác định trong hợp đồng.
Việc xác định tòa trọng tài là quan trọng, vì rủi ro là không ai muốn, nhưng khi xảy ra rủi ro thì phải có nơi giải quyết mà mang lại lợi thế nhiều nhất cho mình, có thể lợi thế đó là lợi thế về địa lý, lợi thế về quy chế pháp lý, hay lợi thế về phí xét xử,… Dẫu sao trong kinh doanh, vẫn đề cao các mối quan hệ, nên quan hệ với tòa trọng tài nào tốt thì việc nêu tên toàn trọng tài đó vào hợp đồng thương mại để giải quyết chung thẩm đã là một lợi thế không phải bàn cãi